Ngược với các tôn giáo Độc thần, Phật giáo là tôn giáo Vô thần, lại chủ trương không có linh hồn. Hiện tượng hồn ma thường thấy, theo Phật giáo, đó là ngạ quỷ (preta) chứ không phải linh hồn thật. Ngạ quỷ tức là kiếp sau của chúng sinh nào tương ứng với nghiệp sinh vào loài ấy. Phật giáo quan niệm có sáu cõi luân hồi cơ bản, trong đó ngạ quỷ giới bị xem là cõi khổ dành cho chúng sinh có nhiều ác bất thiện nghiệp. Ngạ quỷ không phải là linh hồn của con người, mà là kiếp sau của họ, cả hai chỉ có mối quan hệ kế thừa chứ không phải là cùng một ngã thể, đây là điểm mấu chốt quyết định sự khác nhau rõ rệt không thể nhầm lẫn giữa quan điểm Phật giáo với Thiên Chúa giáo. Ngạ quỷ được dịch sang Anh ngữ là the hungry ghosts, nhưng nó không hoàn toàn tương đồng với khái niệm ghost của Tây phương. Ngoài ra, Phật giáo cho rằng ngạ quỷ rất đói khổ và không có năng lực gì đặc biệt, nhưng vẫn cho rằng có những loại quỷ thần sở hữu thần thông và kỹ xảo hơn con người, đó gọi là A-tu-la giới (tiếng Phạn: Asura-loka) và một số loài quỷ thần thuộc sự quản lý của cõi Trời Tứ đại Thiên vương (tiếng Phạn: Catur-mahā-rājakayikas). Các loài quỷ thần có phước báo và quyền năng ấy khá tương tự với khái niệm demon của Tây phương, song cũng không hoàn toàn giống nhau. Như vậy, Phật giáo đã đưa ra một thế giới quan về ma quỷ khác với các tôn giáo thờ Thiên Chúa bên Tây phương rất nhiều, điều đó cho chúng ta thấy chân lý thực tại cực kỳ đa phương diện mà không thể chỉ nhìn bằng nhãn quan của một tôn giáo mà xác lập trọn vẹn.
(...)
Phật giáo Sơ kỳ không thừa nhận có linh hồn tồn tại, vì giáo lý cốt lõi của nó là Vô ngã (tiếng Phạn: Anātman) – không có thực thể hữu ngã nào của chúng sinh, cho nên quan niệm thể xác là giả, linh hồn là thật cũng trở nên sai lầm. Nhà Phật cho rằng chúng sinh hữu tình được cấu tạo từ năm tổ hợp gọi là ngũ uẩn (tiếng Phạn: pañca-skandha): sắc (rūpa), thụ (vedanā), tưởng (saṃjñā), hành (saṃskāra), thức (vijñāna). Sắc tức là vật chất, đối với chúng sinh thì đó là tòa bộ cơ thể vật lý; thụ là cảm nhận và tri giác; tưởng là tư tưởng, ý thức nhận biết đối với cảnh; hành là toàn bộ cấu trúc tâm lý và tâm linh của chúng sinh; thức là sự vận hành của nhận thức phân biệt và lưu trữ ký ức. Trong đó, hành và thức rất quan trọng, Phật giáo Sơ kỳ còn cho biết sự kết hợp hai uẩn này thường dễ bị ngộ nhận là “linh hồn.” Hiện tượng ma quỷ theo Phật giáo Sơ kỳ thực ra là chúng sinh của đường ngạ quỷ (tiếng Phạn: preta) hay đường địa ngục (tiếng Phạn: naraka). Theo lối diễn giải này, chúng sinh khi còn sống là tập hợp của ngũ uẩn, sau khi chết đi, ngũ uẩn tan rã, chỉ có hành và thức chuyển hóa sang một sự sống mới, đó là kiếp sau. Nếu nghiệp lực của chúng sinh này là thiện thì họ sẽ tái sinh lên thiên giới hoặc nhân gian, nhưng nếu ác bất thiện quá nhiều thì sẽ tái sinh vào đường ngạ quỷ hoặc đường địa ngục. Ví dụ, nếu một người có quá nhiều ác nghiệp mà theo lẽ kiếp sau họ phải đọa địa ngục, thì sau khi tắt thở ngay trong quãng thời gian chớp nhoáng như sát-na (kṣaṇa) người này tái sinh lập tức vào cảnh giới địa ngục, nhận lấy thân xác mới do hóa sinh phù hợp với cảnh giới ấy, và thân xác đó không phải linh hồn mà là một sự sống mới. Tương tự như vậy với đường ngạ quỷ, người ấy tái sinh vào ngạ quỷ cũng không phải gọi là “hồn ma,” mà là một thân xác mới có đầy đủ ngũ uẩn sắc–thụ–tưởng–hành–thức, chẳng qua cấu trúc ngũ uẩn này khác với ngũ uẩn của thể xác con người. Như vậy Phật giáo Sơ kỳ vẫn thừa nhận có ma quỷ, nhưng không thừa nhận ma quỷ đó là linh hồn con người, mà chỉ là kiếp sau của con người. Sự kế tục giữa kiếp trước và kiếp sau theo họ nhận định không phải là mối quan hệ của cùng một cái tôi hay một thực thể, mà chỉ là sự kế thừa đơn thuần như cơn sóng sau kế thừa con sóng trước. Quan niệm này của Phật giáo Sơ kỳ đương nhiên là một sáng tạo tư tưởng khác hẳn với những tôn giáo khác, đơn cử như Thiên Chúa giáo!
Phật giáo sau này có phát triển thêm học thuyết Thân trung ấm (tiếng Phạn: antarābhava) – tức sự tồn tại trung gian từ kiếp này sang kiếp khác. Đây là chủ trương ban đầu của hệ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (tiếng Phạn: Sarvāsti-vāda) và về sau được Phật giáo Đại thừa (tiếng Phạn: Mahāyāna) kế tục, trở thành lý thuyết được chấp nhận rộng rãi của Phật giáo Hán truyền và Phật giáo Tạng truyền, nhưng không được Phật giáo Nam truyền chấp nhận. Thuyết thân trung ấm cho rằng chúng sinh không phải ai cũng tái sinh ngay lập tức, vì có những người nghiệp thiện–ác bất minh và chồng chéo, không thể tức thời sinh thiên hay đọa xứ, cho nên rất khó xác định cảnh giới tái sinh ngay. Trước khi những điều kiện tái sinh ở cảnh giới mới chưa hiện hữu tương ứng với nghiệp lực của họ, những chúng sinh này buộc phải lưu lại trong một trạng thái trung gian gọi là Trung hữu, một phần lý do nữa là vì họ lưu luyến với thân xác và cuộc sống của kiếp trước nên chưa muốn tái sinh; tuy nhiên thân xác ở trong Trung hữu (thân trung ấm) này cũng không phải là linh hồn. Nó là do nghiệp lực hóa sinh, chết đi sống lại liên tục, không có hình dạng cố định, không có sức mạnh làm được gì đối với mọi thứ xung quanh, cũng không có năng lực thần biến nào cả. Một khi đã có cảnh giới tương thích với nghiệp của chúng sinh đang thụ thân trung ấm xuất hiện rồi, chúng sinh đó sẽ biến mất trong trạng thái thân trung ấm tái sinh vào cảnh giới mới. Một số bộ phái Phật giáo không chấp nhận thuyết này, vì cho rằng nó là một trong những kiến giải được suy ra từ Bổ-đặc-già-la (tiếng Phạn: pudgala) – tức là đâu đó vẫn chấp nhận có thực ngã, điều này trái với lý Vô ngã của Phật-đà.
(----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------)